Hơn 1,5 triệu trẻ em mất cha mẹ vì đại dịch COVID

Oneway.vn - Từ khi bắt đầu đại dịch, hơn 4 triệu người trên toàn cầu đã chết do COVID-19. 

Dịch bệnh lấy đi mạng sống của đa số người lớn, nên thế giới dường như không chú ý nhiều đến ảnh hưởng của đại dịch trên trẻ em. Những cái chết bất ngờ đã ảnh hưởng sâu sắc đến các gia đình. Cái chết của cha mẹ và người giám hộ ngày càng gia tăng, khiến nhiều trẻ em trên khắp thế giới phải mồ côi.

Trẻ được định nghĩa là mồ côi khi cả cha lẫn mẹ đã qua đời. Nhưng nhiều cơ quan cứu trợ cũng dùng từ “mồ côi" để chỉ một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của cha hoặc mẹ. Ví dụ: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) coi một đứa trẻ mất cả cha hoặc mẹ là trẻ mồ côi, và phân loại thêm “trẻ mồ côi đơn” tức là trẻ chỉ có cha hoặc mẹ đã qua đời, hoặc “trẻ mồ côi kép” là trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ.

Không ai biết chắc có bao nhiêu đứa trẻ đã mất cha mẹ vì đại dịch, nhưng một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh đã đưa ước tính. Báo cáo này được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Thế giới Không có Trẻ mồ côi, kết hợp với một số chuyên gia phúc lợi trẻ em toàn cầu trong Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, và các cơ sở giáo dục khác.

Theo báo cáo, từ ngày 1 tháng 3 năm 2020 đến ngày 30 tháng 4 năm 2021, ước tính có khoảng 1.562.000 trẻ em phải đối diện với cái chết của người giám hộ, trong đó có cha, mẹ hoặc ông bà. Số trẻ em mất cha nhiều hơn từ hai đến năm lần so với số trẻ mất mẹ. Số trẻ em mồ côi do COVID-19 vượt xa số người từ 15–50 tuổi tử vong vì căn bệnh này.

Có một số quốc gia bị ảnh hưởng nhiều hơn những quốc gia khác. Các quốc gia có tỷ lệ người giám hộ tử vong cao theo tỉ lệ 1 trên 1000 bao gồm Peru (10,2 trên 1.000 trẻ), Nam Phi (5,1 trên 1.000 trẻ), Mexico (3,5 trên 1.000 trẻ), Brazil (2,4 trên 1.000 trẻ), Colombia (2,3 trên 1.000 trẻ), Iran (1,7 trên 1.000 trẻ), Hoa Kỳ (1,5 trên 1.000 trẻ), Argentina (1,1 trên 1.000 trẻ) và Nga (1,0 trên 1.000 trẻ).

Các nghiên cứu trước đây cho thấy cái chết của cha mẹ hoặc người giám hộ làm tăng nguy cơ nảy sinh vấn đề ở trẻ em, bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần; nạn mang thai ở tuổi vị thành viên; tăng nguy cơ tự tử; các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS; bệnh mãn tính; kinh tế gia đình khó khăn; bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục. Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ tách khỏi gia đình và vào trại trẻ mồ côi. Báo cáo lưu ý: “Nên tránh việc để trẻ lớn lên tại các cơ sở từ thiện hoặc trại trẻ mồ côi, vì tác hại rõ ràng của nó đối với sự phát triển tâm lý xã hội, thể chất và thần kinh. Thay vào đó, các khoản đầu tư nên ưu tiên tăng cường chăm sóc trẻ tại gia đình”.

Karmen Friesen, điều phối viên chính của Tổ chức World Without Orphans (Thế giới Không Trẻ mồ côi) cho biết: “Cứ sau 12 giây, lại có một đứa trẻ mất đi cha mẹ hoặc ông bà do hậu quả của COVID-19. Điều này thật tàn khốc, và nó nhấn mạnh rằng toàn thế giới phải phản ứng mạnh mẽ với vấn đề này. Nhưng không như những trường hợp khẩn cấp trước, lần này chúng ta có cơ hội để giải quyết mọi việc đúng đắn, bởi vì chúng ta biết cách nào là hiệu quả. Bây giờ là lúc để đầu tư vào việc củng cố gia đình và phát triển dịch vụ chăm sóc gia đình chứ không phải các trại trẻ mồ côi. Và trên khắp thế giới, chính các Hội thánh là nơi lý tưởng để mang đến sự hỗ trợ toàn diện mà các gia đình khủng hoảng đang cần gấp.”

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần cầu xin Chúa ban cho tấm lòng quan tâm đến những đứa trẻ yếu đuối này, để có cơ hội phục vụ các em, để sự chăm sóc của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong Đấng Christ được bày tỏ giữa những đứa trẻ mồ côi này.


Bài: ERLC Staff; dịch: Nhạn Võ 
(Nguồn: churchleaders.com)